
Trước những hình ảnh tiêu cực, phụ nữ có phản ứng khác với nam giới, điều này có thể được giải thích bởi sự khác biệt tinh tế trong cấu trúc não, qua sự chứng minh bởi các nhà nghiên cứu tại CIUSSS de l’Est-de-l’Île-de-Montréal (tại viện sức khỏe tâm thần Đại học Montreal), với kết quả đã được công bố tại Psychoneuroendocrinology.
Không phải tất cả mọi người đều như nhau khi nói đến bệnh lý về tâm thần
“Không phải tất cả mọi người đều như nhau khi nói đến bệnh lý về tâm thần,” Adrianna Mendrek, phó giáo sư tại Khoa Tâm thần Đại học Montreal và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết. “Phản ứng cảm xúc mãnh liệt hơn ở phụ nữ có thể giải thích được nhiều điều, chẳng hạn như là khả năng bị rối loạn trầm cảm và lo âu cao gấp đôi so với nam giới,” Mendrek nói thêm.
Trong nghiên cứu của họ, Mendrek và các đồng nghiệp đã quan sát thấy rằng các khu vực nhất định của não bộ phụ nữ và nam giới, đặc biệt là hệ viền (limbic system), phản ứng khác nhau khi tiếp xúc với những hình ảnh tiêu cực. Do đó, họ đã khảo sát xem hoạt động trong bộ não của phụ nữ có khác biệt so với nam giới hay không và sự khác biệt này có thể được điều tiết bởi các yếu tố tâm lý (đặc điểm nam tính và nữ tính) hoặc nội tiết (sự thay đổi nội tiết tố) hay không.
Trong nghiên cứu này, 46 người tham gia khỏe mạnh – trong đó có 25 phụ nữ – xem những hình ảnh và cho biết liệu những hình ảnh này gợi lên những cảm xúc tích cực, tiêu cực, hay cảm xúc trung tính. Đồng thời, hoạt động não của họ được đo bằng điện não đồ. Mẫu máu được lấy trước để xác định nồng độ nội tiết tố (ví dụ, estrogen – nội tiết tố nữ, testosterone – nội tiết tố nam) trong mỗi người tham gia.
Tỷ lệ phụ nữ tiêu cực về mặt cảm xúc cao hơn so với nam giới
Có thể là phụ nữ có xu hướng tập trung nhiều hơn vào các cảm xúc được tạo ra bởi những tác nhân kích thích, trong khi nam giới vẫn còn hơi ‘thụ động’ đối với những cảm xúc tiêu cực, cố gắng phân tích các tác nhân kích thích và tác động của chúng.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, tỷ lệ phụ nữ có những đánh giá chủ quan về hình ảnh tiêu cực cao hơn so với nam giới. Nồng độ testosterone cao hơn có liên quan đến sự kém nhạy cảm hơn, trong khi những đặc điểm nữ tính hơn (bất kể giới tính của những người tham gia thử nghiệm) có liên quan đến độ nhạy cao hơn.
Hơn nữa, trong khi phần đệm lưng não (dmPFC) và hạch hạnh nhân của bán cầu não phải được kích hoạt ở cả nam và nữ tại thời điểm xem hình ảnh, sự liên kết giữa hạch hạnh nhân và dmPFC ở nam giới mạnh hơn nữ giới, và nếu cá nhân nào có sự tương tác giữa hai khu vực này nhiều hơn, thì cá nhân đó ít nhạy cảm hơn đối với những hình ảnh được đưa ra. “Điểm cuối cùng này là quan sát quan trọng nhất và độc đáo nhất của nghiên cứu,” Stéphane Potvin, một giáo sư tại Khoa Tâm thần Đại học Montreal và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.
Hạch hạnh nhân là một vùng của não có chức năng phát hiện hiểm họa và khu vực này sẽ kích hoạt khi một cá nhân được tiếp xúc với những hình ảnh có mang sự sợ hãi hay buồn bã, trong khi dmPFC được tham gia vào những quá trình nhận thức (ví dụ, tri giác, cảm xúc, suy luận) có liên đới với các tương tác xã hội. “Sự liên kết chặt chẽ giữa hai khu vực này ở nam giới cho thấy họ có cách tiếp cận lý trí hơn cảm xúc khi đối phó với những cảm xúc tiêu cực,” theo Potvin. “Có thể là phụ nữ có xu hướng tập trung nhiều hơn vào các cảm xúc được tạo ra bởi những tác nhân kích thích, trong khi nam giới vẫn còn hơi ‘thụ động’ đối với những cảm xúc tiêu cực, cố gắng phân tích các tác nhân kích thích và tác động của chúng.”
Sự liên kết giữa hệ viền và phần đệm lưng não dường như được điều tiết bằng testosterone (hoóc môn nam – có xu hướng củng cố sự liên kết này), cũng như giới tính của một cá nhân (khi đo mức độ nữ tính và nam tính). “Vì vậy, có cả hai yếu tố sinh học và văn hóa ảnh hưởng đến sự nhạy cảm của chúng ta trước các tình huống tiêu cực về mặt cảm xúc,” Mendrek giải thích. “Bây giờ chúng tôi sẽ xem xét bộ não của đàn ông và phụ nữ phản ứng như thế nào đối với các loại cảm xúc tiêu cực (ví dụ, sợ hãi, buồn bã, giận dữ) và vai trò của chu kỳ kinh nguyệt trong phản ứng này.”